Số điện thoại hỗ trợ

phone 1900 2605

Khám phá đấu trường La Mã Colosseum - Kiệt tác kiến trúc và chứng nhân lịch sử vĩ đại

Trải qua biết bao thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử, một đế chế hùng mạnh ngày nào nay chỉ còn lại những tàn tích. Song tại Ý vẫn còn đâu đó một đấu trường La Mã Colosseum hiên ngang, sừng sững biểu trưng cho sức mạnh và sự thịnh vượng một thời, là di sản văn hóa vĩ đại của thế giới ngày nay.

Mục lục bài viết
  • 1. Giới thiệu về đấu trường La Mã
  • 2. Lịch sử đấu trường La Mã Colosseum
  • 3. Kiến trúc độc đáo của đấu trường La Mã Ý
  • 4. Hướng dẫn di chuyển tới đấu trường Colosseum
  • 5. Những điểm tham quan nổi tiếng gần đấu trường La Mã
  • 6. Ở đâu khi khám phá đấu trường La Mã?
  • 7. Ăn gì khi tham quan đấu trường Colosseum?
  • 8. Kinh nghiệm tham quan đấu trường La Mã

Giới thiệu về đấu trường La Mã

Nằm cách trung tâm thủ đô Rome của Ý chỉ khoảng 2 km, đấu trường La Mã Colosseum được biết đến là đấu trường lớn nhất thành phố và là kiệt tác kiến trúc thời kỳ La Mã cổ. Với niên đại hàng ngàn năm tuổi, Colosseum được xây dựng từ những năm 70 - 80 của thế kỷ thứ I sau Công nguyên dưới thời Titus.

  • Địa chỉ: Piazza del Colosseo, 1, 00184 Roma RM, Ý.

Giới thiệu về đấu trường La Mã Ý

Giới thiệu về đấu trường La Mã Ý (Ảnh: @hoctiengy.com)

Với bề dày hơn 2.000 năm tuổi, hình ảnh đấu trường La Mã vẫn luôn sừng sững, uy nghi trước mọi thăng trầm của thời gian. Có lẽ vì chiều dài lịch sử như vậy mà nơi đây được biết đến với rất nhiều tên gọi khác nhau như: Đại hý trường La Mã, Colosseo, Amphitheatrum Flavium (tiếng Latinh), Anfitea tro Flavio (tiếng Ý)...

Tìm hiểu về đấu trường La Mã Colosseum, du khách sẽ thấy tường bên ngoài thoạt đầu có chu vi chỉ 545 m nhưng sức chứa lên đến 50.000 - 80.000 người vào thời điểm hoàn công. Công trình như một hình elip khổng lồ với tổng chiều dài đạt 188 m và rộng 158 m.

Đánh bại hàng chục công trình, địa danh nổi tiếng, đấu trường La Mã Ý đã được vinh danh là 1 trong 7 kỳ quan mới của thế giới năm 2007.

Lịch sử đấu trường La Mã Colosseum

Đấu trường Colosseum chính thức được khởi xây khoảng những năm 70 - 72 dưới thời hoàng đế Vespasian khi ông dành chiến thắng trong cuộc nội chiến. Sau khi mất, vua Titus tiếp tục cho xây dựng và hoàn thành kiệt tác vĩ đại vào năm 80 sau Công nguyên. Dưới triều vua Domitian năm 81 - 96, công trình này được điều chỉnh để hoàn thiện hơn.

Ban đầu, địa điểm du lịch châu Âu này được xây dựng với mục đích tạo ra địa điểm tổ chức các trận chiến cho võ sĩ giác đấu (gladiator) và cuộc săn thú, vốn là một phần văn hóa quan trọng dưới thời đế chế La Mã.

Trong suốt chiều dài gần 500 năm sau này, lịch sử đấu trường La Mã ngoài là nơi tham chiến của các đấu sĩ còn được dùng để biểu diễn công chúng, tập trận, săn thú… Dưới thời Trung Cổ thế kỷ thứ VI, một phần nơi đây được sử dụng làm nghĩa trang, phần làm chỗ ở, xưởng thủ công cho tới tận thế kỷ XII.

Năm 1349, toàn bộ phần tường bên ngoài mặt phía Nam đã bị phá hủy bởi động đất, một lượng lớn đá được tận dụng để xây dựng các công trình mới như: nhà thờ, cung điện, trạm xá… trong khi nhiều phần khác bị đánh cắp bởi kẻ trộm. Nơi đây bị bỏ hoang trong nhiều thế kỷ và tiếp tục bị tàn phá bởi thiên nhiên, thời tiết và chiến tranh.

Mãi cho tới thế kỷ XIX, đấu trường Colosseum mới được khôi phục, bảo tồn và trở thành điểm đến của lịch sử, văn hóa, du lịch như ngày nay.

Lịch sử đấu trường La Mã

Lịch sử đấu trường La Mã (Ảnh: @walksinsiderome)

Kiến trúc độc đáo của đấu trường La Mã Ý

Kiến trúc bên ngoài đấu trường La Mã

Với kích thước khổng lồ và cấu trúc tinh xảo, đấu trường Colosseum được mệnh danh là một trong các công trình kiến trúc phức tạp nhất thời bấy giờ. Đặt tour châu Âu, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ công trình được xây bằng đá Travertine với phần bên ngoài thiết kế theo dạng mái vòm. Các bậc thang được bố trí khoa học giúp hàng chục ngàn khán giá có thể dễ dàng ra vào.

Bên ngoài đấu trường thể hiện rất rõ nét phong cách kiến trúc Doric, Ionic và Corinthian vừa cầu kỳ, vừa mang nét khỏe khoắn, uyển chuyển.

Kiến trúc bên ngoài đấu trường La Mã Ý

Kiến trúc bên ngoài đấu trường La Mã Ý (Ảnh: @loyaltrip)

Kiến trúc bên trong đấu trường La Mã

Bên trong đấu trường La Mã Ý có gì chắc hẳn là câu hỏi của rất nhiều tín đồ du lịch. Được chia thành nhiều khu riêng biệt, chúng ta có thể tìm hiểu bên trong theo những phần sau:

  • Sàn đấu: phần sàn trung tâm bên trong đấu trường La Mã Colosseum được thiết kế theo dạng hình elip phủ cát, đây chính là nơi diễn ra những cuộc chiến khốc liệt. Tuy nhiên, sự tàn phá của thời gian đã làm sàn đấu gần như hoàn toàn biến mất. Ngày nay, phần sàn đấu chỉ được phục dựng lại 1/3 hình elip giúp du khách dễ hình dung hơn.

Kiến trúc sàn đấu bên trong đấu trường La Mã Ý

Kiến trúc sàn đấu bên trong đấu trường La Mã Ý (Ảnh: @rome.info)

  • Hypogeum: là phần bên dưới sàn đấu gồm các đường hầm, chuồng thú và hệ thống thoát nước, Hypogeum được chia làm 2 tầng và thêm vào dưới thời vua Domitian nhằm tăng thêm sự hấp dẫn của trận đấu. Hệ thống này không chỉ giúp Colosseum chứa được nhiều loại động vật hoang dã hơn mà còn cuốn trôi hết phần nào chất thải từ trên sàn đấu chảy xuống.

Kiến trúc Hypogeum bên trong đấu trường La Mã Ý

Kiến trúc Hypogeum bên trong đấu trường La Mã Ý (Ảnh: @roman-vacations)

  • Khán đài: với sức chứa lên đến hàng vạn người, phần khán đài bên trong đấu trường La Mã được chia thành nhiều khu vực tương ứng với từng tầng lớp xã hội bấy giờ như hoàng tộc, quý tộc, người giàu, người nghèo, phụ nữ… Mỗi khu vực sẽ khác nhau bởi vị trí gần xa, có hay không có mái che, lát đá hoa cương, đá cẩm thạch hay chỉ là đá vôi thông thường.

Toàn cảnh khán đài bên trong đấu trường La Mã Ý

Toàn cảnh khán đài bên trong đấu trường La Mã Ý (Ảnh: @chibikiu)

Hướng dẫn di chuyển tới đấu trường Colosseum

Từ Việt Nam tới Ý

Từ Việt Nam đến Rome, du khách có thể di chuyển bằng đường hàng không. Thủ đô của Ý hiện có rất nhiều sân bay như: Rome Ciampino (CIA), Rome Fiumicino (FCO), Rome Mestre Rail Stn (XVY), Roma Tiburtina Railway Station (IRT), Roma Termini Railway Station (XRJ). Trong đó, Rome Fiumicino (hay còn gọi là sân bay Leonardo da Vinci) được biết đến là sân bay lớn, phổ biến nhất và chỉ cách trung tâm chưa đầy 30 km.

Hiện chưa có chặng bay thẳng từ Việt Nam đến Ý, du khách có thể đặt các chặng nối chuyến được khai thác bởi Air China Intl, Qatar Airways, Emirates Airlines hay ​​Vietnam Airlines. Thời gian bay cho mỗi hành trình kéo dài từ 16 tiếng trở lên và có nhiều mức giá khác nhau, cụ thể:

Chặng bay Hãng hàng không Giờ bay Giá vé (VNĐ)

Hà Nội - Rome

Air China Intl

31 giờ 55 phút

5.112.000

Hồ Chí Minh - Rome

Thai Airways Intl

27 giờ 10 phút

8.435.000

Đà Nẵng - Rome

Malindo Airways

Emirates Airlines

36 giờ 20 phút

8.000.000

Hải Phòng - Rome

Vietnam Airlines

Qatar Airways

28 giờ 55 phút

13.802.000

Cần Thơ - Rome

Vietnam Airlines

Qatar Airways

26 giờ 15 phút

12.729.000

Giá vé máy bay đi Rome tại thời điểm, giá chưa bao gồm thuế phí (Đơn vị: VNĐ)

Từ trung tâm tới đấu trường

  • Tàu Metro: giống như các nước châu Âu khác, tàu điện ở Rome khá phổ biến. Di chuyển đến đấu trường Colosseum, du khách chỉ cần đi theo line B và xuống ở trạm Colosseo. Đây là trạm gần nhất khi chỉ cách đấu trường khoảng 200 m. Giá một chặng tàu điện tại đây thường rơi vào từ 40.200 VNĐ.
  • Xe buýt: di chuyển đến gần đấu trường La Mã nhất, du khách có thể đón xe buýt các tuyến 40, 51, 60, 75, 81, 175 và 204. Vé sẽ được bán tại quầy tự động hoặc trạm vé trên đường với mức giá một chặng từ 40.200 VNĐ.
  • Xe taxi: là loại phương tiện linh hoạt và đưa bạn đến tận cửa đấu trường Colosseum, tuy nhiên hãy chọn những chiếc taxi màu trắng có đồng hồ tính tiền để tránh bị hét giá. Thông thường, giá cước taxi từ ga Termini sẽ rơi vào khoảng từ 268.000 - 316.200 VNĐ.

Phương tiện công cộng tại thủ đô Rome

Phương tiện công cộng tại thủ đô Rome (Ảnh: @bus.romani)

Những điểm tham quan nổi tiếng gần đấu trường La Mã

Vatican

  • Khoảng cách tới đấu trường La Mã: 6 km.

Thành Vatican - quốc gia độc lập được biết đến là đất nước nhỏ nhất thế giới. Dù chỉ nằm vỏn vẹn trong lòng thủ đô Rome của Ý nhưng đây là trung tâm tôn giáo, văn hóa quan trọng nhất của đạo Kitô. Tham quan Vatican, bên cạnh việc khám phá những di tích lịch sử quan trọng, du khách đừng bỏ lỡ trải nghiệm nghệ thuật độc đáo tại: nhà thờ thánh Peter, bảo tàng Vatican…

Arch of Constantine

  • Khoảng cách tới đấu trường La Mã: 130 m.

Khải Hoàn Môn Arch of Constantine là cổng Khải Hoàn La Mã lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất cho tới ngày nay. Cổng được xây dựng năm 312 để tôn vinh hoàng đế Constantine khi ông chiến thắng trận Milvian Bridge, mở đường cho Kitô giáo du nhập vào La Mã. Công trình này được trang trí bằng nhiều bức tượng, phù điêu mô tả chiến công của Constantine, là điểm đến được yêu thích trong tour Ý.

Khải Hoàn Môn Arch of Constantine

Khải Hoàn Môn Arch of Constantine (Ảnh: @civilisable.com)

Công trường Roman

  • Khoảng cách tới đấu trường La Mã: 57 m.

Nằm ngay trung tâm thủ đô, công trường La Mã Roman Forum được xem là chứng nhân lịch sử, là khu vực hành chính, tôn giáo, diễu binh, giao thương của người La Mã cổ đại cách đây hàng nghìn năm. Nơi đây chứa đựng những tàn tích rời rạc, được khảo cổ nổi tiếng như: đền Castor và Pollux, thánh đường Basilica di Massenzio, cổng Titus…

Công trường La Mã Roman Forum

Công trường La Mã Roman Forum (Ảnh: @chibikiu)

Đồi Palatine

  • Khoảng cách tới đấu trường La Mã: 12 m.

Dù chỉ còn là một đống tàn tích đổ nát, song đồi Palatine nằm ở vị trí khá đắc địa với tầm nhìn bao quát toàn bộ khu vực di tích cổ đại và hình ảnh đấu trường La Mã. Tương truyền rằng, nơi đây từng tồn tại cung điện hoàng gia, dinh thự, đền thờ, công trình công cộng của một thời kỳ đế chế rực rỡ.

Ở đâu khi khám phá đấu trường La Mã?

Cảm nhận trọn vẹn hình ảnh đấu trường La Mã uy nghi, hùng vĩ, du khách có thể đặt khách sạn tại một số địa điểm gần đó cũng như cập nhật mức giá theo từng thời điểm:

Khách sạn Địa chỉ Khoảng cách tới đấu trường Giá tham khảo

Hotel Anfiteatro Flavio

Via dei Serpenti 130, Rione Monti, 00184 Roma, Ý

0,7 km

2.880.460

Piazzetta de' Monti Suites

Via Dei Serpenti 164, Rione Monti, 00184 Roma, Ý

0,5 km

3.043.683

B&B Santi Quattro Al Colosseo

Via De' Santiquattro 64, 00184 Roma, Ý

0,3 km

4.682.187

Elysium Suites Colosseo

79 Via Mecenate, Rione Monti, 00184 Roma, Ý

0,5 km

5.198.012

FH55 Grand Hotel Palatino

Via Cavour 213, Rione Monti, 00184 Roma, Ý

0,5 km

7.568.402

Khách sạn gần đấu trường La Mã Colosseum, giá tham khảo tại thời điểm (Đơn vị: VNĐ)

Khách sạn gần đấu trường La Mã Colosseum

Khách sạn gần đấu trường La Mã Colosseum (Ảnh: @booking)

Ăn gì khi tham quan đấu trường Colosseum?

Nhắc tới Ý chúng ta thường liên tưởng ngay đến mì spaghetti, pizza, tuy nhiên ẩm thực đất nước hình chiếc giày không chỉ dừng lại ở đó. Nó được biến tấu và thể hiện nét đặc trưng riêng theo từng vùng, đặc biệt tại thủ đô Rome du khách có thể thử một số món ngon nổi tiếng sau:

Mì Carbonara

Được làm từ các nguyên liệu đơn giản như thịt lợn muối, phô mai Pecorino Romano, trứng, loại mì này được ăn kèm với nước sốt đặc biệt và không được thêm kem vào như bất kỳ món mì nào khác.

Atisô alla Romana

Là một trong những món ăn mùa xuân nhất định phải thử khi đến Rome và tham quan đấu trường La Mã. Món ngon này làm từ hoa atisô bọc bạc hà, tỏi, mùi tây, hấp cùng dầu ô liu và rượu vang trắng sau đó chiên ngập dầu.

Porchetta

Một loại thịt lợn quay nổi tiếng ở Rome gồm phần thịt thăn và thịt bụng, nêm cùng muối tiêu, sau đó cuộn lại và nướng giòn, thường ăn kèm bánh mì hoặc làm nhân sandwich.

Cicoria Ripassata

Nếu bỗng nhiên du lịch Rome mà nhớ rau xào quê nhà thì rau diếp xoăn (Cicoria Ripassata) chính là vị cứu tinh dành cho bạn. Món ăn truyền thống từ thời La Mã này thường được xào cùng dầu o liu, tỏi, ớt… thể thiện sự tinh tế của người Ý trong việc sử dụng nguyên liệu tốt cho sức khỏe và tận dụng thực phẩm theo mùa.

Kem gelato

Giống như bất kỳ thành phố nào của Ý, Rome cũng có hàng ngàn loại gelateria với đa dạng hương vị từ cổ điển đến hiện đại làm mê đắm mọi tín đồ yêu thích loại kèm này.

Mì Carbonara

Mì Carbonara (Ảnh: @familie.over.de.kook)

Kinh nghiệm tham quan đấu trường La Mã

Dưới đây là một số lưu ý quan trọng khi tham quan đấu trường La Mã Ý:

  • Vì số lượng khách rất đông, bạn nên đặt vé trực tuyến trước để tránh mất thêm thời gian xếp hàng. Đặc biệt, đừng ngần ngại thuê một hướng dẫn viên nếu chưa rõ cụ thể cách di chuyển ở đấu trường.
  • Là những tàn tích đá hàng ngàn năm tuổi, vì vậy việc chúng không còn chắc chắn hay kiên cố là điều tương đối dễ hiểu. Hãy bước đi cẩn thận, đặc biệt là khi đi cùng trẻ em và người lớn tuổi.
  • Theo kinh nghiệm du lịch châu Âu, tại đây, các dụng cụ hỗ trợ như flycam, chân chụp ảnh tripod, gậy tự sướng đều bị cấm sử dụng. Du khách có thể chụp trực tiếp trên điện thoại để tránh những rắc rối không đáng có.
  • Sau khi qua cửa soát vé, hãy đi theo thứ tự sàn đấu - Hypogeum - khán đài rồi sau đó mới sang khu công trường La Mã để thuận tiện đường đi và tối ưu thời gian nhất.
  • Các di tích La Mã cổ đại đều nằm rất gần đấu trường Colosseum, du khách nên sắp xếp thời gian để có thể tham quan kết hợp cả Khải Hoàn Môn Constantine, công trường La Mã Roman Forum, đồi Palatine. Song hãy tham quan đấu trường trước rồi mới đi các khu vực khác trong quần thể vì thời gian xếp hàng vào Colosseum thường rất lâu.

Đấu trường La Mã Colosseum

Đấu trường La Mã Colosseum (Ảnh: @nyokki.ho)

Sở hữu nhiều công trình kiến trúc xuyên suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm tuổi, nhưng đấu trường La Mã Colosseum vẫn luôn được biết đến như một tượng đài của đế chế La Mã hùng mạnh. Liên hệ ngay BestPrice Travel thông qua tổng đài 1900 2605 để tìm hiểu về đấu trường La Mã Ý cũng như đặt những bước chân đầu tiên trên hành trình khám phá lịch sử và văn hóa đất nước hình chiếc giày.

Tác giả: Dung Nguyễn

Nguồn ảnh: Internet

Các bài viết cùng chuyên mục

Hỏi đáp