Số điện thoại hỗ trợ

1900 2605

Review Thập Tam Lăng Trung Quốc từ A đến Z

Được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 2003, Thập Tam Lăng hiện là một trong những điểm đến cực kì hút khách tại Trung Quốc. Cùng BestPrice khám phá khu lăng mộ linh thiêng này trong bài viết dưới đây!

Mục lục bài viết
  • 1. Sơ lược về Thập Tam Lăng
  • 2. Giá vé tham quan Thập Tam Lăng Bắc Kinh
  • 3. Thời điểm đẹp nhất tham quan Thập Tam Lăng
  • 4. Thập Tam Lăng là lăng mộ của những vị vua nào?
  • 5. Các công trình ấn tượng trong Minh Thập Tam Lăng
    • 5.1 Trường Lăng
    • 5.2 Định Lăng
    • 5.3 Chiêu Lăng
    • 5.4 Cổng vòm bằng đá - Thạch Bài Phường (Shibaifang)
    • 5.5 Thần Lộ - Con đường linh thiêng
  • 6. Cách di chuyển tới Thập Tam Lăng
  • 7. Kinh nghiệm tham quan Thập Tam Lăng
  • 8. Câu hỏi thường gặp khi du lịch Thập Tam Lăng Trung Quốc

Sơ lược về Thập Tam Lăng

  • Địa chỉ: Chân núi Thiên Thọ, huyện Xương Bình, thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc
  • Diện tích: 40km2
  • Niên đại: Hơn 600 năm

Khu danh lam thắng cảnh Lăng mộ nhà Minh, hay còn gọi là Thập Tam Lăng, là nơi an nghỉ của 13 vị Hoàng đế triều Minh trong lịch sử phong kiến Trung Hoa. Công trình có niên đại hơn 600 năm, được xây dựng dưới chân núi Thiên Thọ, thuộc huyện Xương Bình, cách trung tâm thành phố Bắc Kinh khoảng 50km về phía tây bắc.

Quần thể Thập Tam Lăng dưới chân núi Thiên Thọ

Quần thể Thập Tam Lăng dưới chân núi Thiên Thọ

Vào năm 1409, Hoàng đế thứ ba của nhà Minh là Minh Thành Tổ Chu Đệ đã cho xây dựng lăng mộ của mình tại núi Thiên Thọ, lấy tên là Trường Lăng. Trong suốt 230 năm tiếp theo, các vị Hoàng đế kế vị đã xây dựng lăng mộ trải dài từ bắc đến nam ở hai bên Trường Lăng theo hình quạt với nguyên tắc “tả chiêu hữu mục”. Tất cả các lăng mộ được nối liền với nhau bằng con đường Thần Đạo dài 7km. Ước tính tổng diện tích của khu danh thắng Thập Tam Lăng Trung Quốc khoảng 40km2.

Mỗi lăng mộ có bố cục và cách sắp xếp gần như tương đồng nhưng khác nhau về diện tích và phong cách. Bố cục chung của các lăng mộ bao gồm phần hình vuông phía trước và hình tròn phía sau. Đây là sự tượng trưng cho khái niệm “trời tròn đất vuông” trong triết học cổ đại Trung Quốc.

Từ việc lựa chọn địa điểm đến thiết kế, các vị Hoàng đế đều chú trọng đến yếu tố phong thủy, sự thống nhất và hài hòa giữa Thiên - Địa - Nhân. Từng bức tường, mái ngói, họa tiết tinh xảo trong các lăng tẩm đều được xem là kiệt phẩm của kiến trúc Trung Quốc cổ đại.

Sơ đồ phân bố 13 lăng mộ tại Thập Tam Lăng

Sơ đồ phân bố 13 lăng mộ tại Thập Tam Lăng

Có thể nói Thập Tam Lăng Bắc Kinh là khu lăng mộ được bảo tồn tốt nhất tại Trung Quốc với nhiều vị Hoàng đế được chôn cất nhất. Vào năm 2003, UNESCO đã công nhận quần thể lăng mộ nhà Minh là Di sản Văn hóa thế giới. Hiện nay, chỉ có Trường Lăng, Định Lăng, Triệu Lăng và đường Thần đạo là mở cửa cho du khách tham quan.

Giá vé tham quan Thập Tam Lăng Bắc Kinh

Theo kinh nghiệm du lịch Trung Quốc, ở mỗi giai đoạn cao điểm hoặc thấp điểm trong năm, giờ mở cửa và giá vé tham quan Thập Tam Lăng lại có sự thay đổi. Bạn nên sắp xếp thời gian phù hợp để tham quan hết quần thể Lăng mộ nhà Minh.

  • Giờ mở cửa:
Khu vực Tháng 4 - Tháng 10 Tháng 11 - Tháng 3

Minh Định Lăng (Dingling)

08h00 - 17h30

08h30 - 17h00

Minh Trường Lăng (Changling)

08h00 - 17h00

08h30 - 16h30

Minh Chiêu Lăng (Zhaoling)

08h30 - 17h00

08h30 - 16h30

Đường Thần Đạo

08h00 - 17h30

08h30 - 17h00

  • Giá vé tham quan:
Khu vực Tháng 4 - Tháng 10 Tháng 11 - Tháng 3

Combo trọn gói

130 CNY (470.000Đ)

100 CNY (350.000Đ)

Minh Định Lăng (Dingling)

60 CNY (210.000Đ)

40 CNY (130.000Đ)

Minh Trường Lăng (Changling)

45 CNY (150.000Đ)

30 CNY (100.000Đ)

Minh Chiêu Lăng (Zhaoling)

30 CNY (100.000Đ)

20 CNY (65.000Đ)

Đường Thần Đạo (Sacred Way)

30 CNY (100.000Đ)

20 CNY (65.000Đ)

Miễn phí vé cho trẻ em cao dưới 1,2m

* Lưu ý:

  • Thập Tam Lăng mở cửa đón khách từ Thứ 2 đến Chủ Nhật hàng tuần
  • Thời gian dừng bán vé tham quan là 1 tiếng trước giờ đóng cửa

Cần mua vé tham quan Minh Thập Tam Lăng Bắc Kinh

Cần mua vé tham quan Minh Thập Tam Lăng Bắc Kinh

Thời điểm đẹp nhất tham quan Thập Tam Lăng

Nhìn chung, bạn có thể tham quan Thập Tam Lăng vào bất cứ giai đoạn nào trong năm. Tuy nhiên, lý tưởng nhất vẫn là tầm đầu xuân hoặc đầu hè, khi thời tiết tương đối ấm áp và tạnh ráo.

Lời khuyên là bạn nên sắp xếp đến khu Lăng mộ nhà Minh vào ban ngày để đủ thời gian tham quan được hết các lăng tẩm nguy nga, cổ kính và tìm hiểu về những dấu ấn lịch sử - văn hóa Trung Hoa tại đây.

Thập Tam Lăng là lăng mộ của những vị vua nào?

Khi đặt tour Trung Quốc, tham quan Thập Tam Lăng, chắc hẳn du khách sẽ khách thắc 13 lăng mộ này là của những vị vua nào? Triều đại nhà Minh có tổng cộng 16 vị Hoàng đế, trong đó có 3 vị Hoàng đế không xây lăng mộ tại Thập Tam Lăng.

Hoàng đế đầu tiên là Minh Thái Tổ - Hồng Vũ Đế, Chu Nguyên Chương được chôn cất tại Hiếu Lăng, Nam Kinh.

Hoàng đế thứ 2, Minh Huệ Đế/ Chu Doãn Văn, sau khi bị Minh Thành Tổ lật đổ thì không rõ tung tích.

Hoàng đế thứ 7, Minh Đại Tông/ Chu Kỳ Ngọc từ chối an táng tại Thập Tam Lăng. Ông được an táng trên những ngọn đồi phía tây Bắc Kinh.

Do đó, quần thể Minh Thập Tam Lăng là nơi an nghỉ của 13 vị Hoàng đế triều Minh, bao gồm:

Lăng mộ Triều đại Năm an táng

Trường Lăng

Hoàng đế thứ 3, Minh Thành Tổ/ Chu Đệ

1424

Hiến Lăng

Hoàng đế thứ 4, Minh Nhân Tông/ Chu Cao Sí

1425

Cảnh Lăng

Hoàng đế thứ 5, Minh Tuyên Tông/ Chu Chiêm Cơ

1435

Dụ Lăng

Hoàng đế thứ 6 & 8, Minh Anh Tông/ Chu Kỳ Trấn

1449

Mậu Lăng

Hoàng đế thứ 9, Minh Hiến Tông/ Chu Kiến Tuấn

1487

Thái Lăng

Hoàng đế thứ 10, Minh Hiếu Tông/ Chu Hựu Đường

1505

Khang Lăng

Hoàng đế thứ 11, Minh Vũ Tông/ Chu Hậu Chiếu

1521

Vĩnh Lăng

Hoàng đế thứ 12, Minh Thế Tông/ Chu Hậu Thông

1566

Chiêu Lăng

Hoàng đế thứ 13, Minh Mục Tông/ Chu Tái Kỵ

1572

Định Lăng

Hoàng đế thứ 14, Minh Thần Tông/ Chu Dực Quân

1620

Khánh Lăng

Hoàng đế thứ 15, Minh Quang Tông/ Chu Thường Lạc

1620

Đức Lăng

Hoàng đế thứ 16, Minh Hy Tông/ Chu Do Hiệu

1627

Tư Lăng

Hoàng đế cuối cùng, Minh Tư Tông/ Chu Do Kiểm

1644

Danh sách 13 lăng mộ trong quần thể Thập Tam Lăng Bắc Kinh

Thập Tam Lăng là nơi an nghỉ của 13 vị Hoàng đế triều Minh

Thập Tam Lăng là nơi an nghỉ của 13 vị Hoàng đế triều Minh

Các công trình ấn tượng trong Minh Thập Tam Lăng

Trường Lăng

Năm 1409, Trường Lăng là lăng mộ đầu tiên và lớn nhất được xây dựng tại Thập Tam Lăng, mất hơn 18 năm mới hoàn thành. Tọa lạc ở đỉnh chính của núi Thiên Thọ, nơi đây sau đó trở thành trung tâm của quần thể lăng mộ. Đây là lăng mộ được bảo tồn hoàn chỉnh nhất trong số 13 lăng mộ Hoàng đế nhà Minh.

Với kiến trúc nguy nga, tráng lệ, các hoạ tiết chạm khắc tỉ mỉ, công phu, Trường Lăng được xem là một biểu tượng của kiến trúc Trung Hoa cổ đại. Công trình ấn tượng nhất trong Trường Lăng là Chính điện Linh Ân. Đây là cung điện lớn duy nhất được làm bằng gỗ long não và được bảo tồn nguyên vẹn kể từ thời Minh.

Cấu trúc chính điện gồm 9 gian ngang, 5 gian sâu, 16 cột trụ chính làm bằng gỗ long não cao 13m, đường kính đáy 1,1m. Trần nhà được sơn nhiều màu sắc, sàn nhà được lát gạch vàng. Chính giữa điện là tượng đồng Hoàng đế Chu Đệ ngồi trên ngai vàng được trang trí bằng 9 con rồng uy nghiêm.

Bên trong Trường Lăng, bạn có thể chiêm ngưỡng những tranh ảnh chân dung về Hoàng đế Chu Đệ, vô số bảo vật quý giá và tìm hiểu về những thành tựu của vị vua này trong lịch sử Trung Hoa.

Toàn cảnh Trường Lăng có diện tích lớn nhất khu Lăng mộ nhà Minh

Toàn cảnh Trường Lăng có diện tích lớn nhất khu Lăng mộ nhà Minh

Định Lăng

Nằm ở chân phía nam của Thiên Thọ Sơn, Định Lăng được xây dựng từ năm 1584 đến năm 1590. Công trình có quy mô lớn thứ 3 tại Thập Tam Lăng, sau Trường Lăng và Vĩnh Lăng. Tổng chi phí xây dựng lăng ước tính khoảng 300 tấn bạc.

Năm 1959, nhờ tấm bia đá ghi lại cách mở cửa và di chuyển trong lăng mộ, các nhà nghiên cứu khảo cổ đã khai quật Định Lăng và mở cửa cho du khách tham quan. Công trình có giá trị nhất tại Định Lăng là cung điện ngầm nằm ở độ sâu hơn 27m dưới lòng đất, nơi an táng Minh Thần Tông Chu Dực Quân và hai Hoàng hậu.

Toàn bộ cung điện ngầm gồm 5 điện được làm hoàn toàn bằng đá với lối vào làm bằng ngọc điêu khắc, sàn nhà lát gạch dát vàng. Ở giữa mỗi điện là quan tài bằng đá cẩm thạch trắng. Chính điện đặt ba ngai vàng bằng đá cẩm thạch trắng, phía trước có hương, nến, hoa cùng ngũ phẩm tráng men và bình sứ xanh chứa dầu để thắp đèn.

Quan tài của Hoàng đế và hai Hoàng hậu được đặt ở Hậu điện cùng hơn 3000 di vật tùy táng quý giá như đĩa vàng, bình hoa, ngọc bích, bạc, lụa... Trong đó có 4 bảo vật quốc gia là vương miện vàng của Hoàng đế, vương miện vàng của Hoàng hậu, ngọc trai phát sáng và đồ gốm tráng men ba màu từ triều Minh. Tất cả những di vật văn hóa này được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lăng mộ Định Lăng.

Cung điện ngầm đã được khai quật tại Định Lăng

Cung điện ngầm đã được khai quật tại Định Lăng

Chiêu Lăng

Minh Chiêu Lăng là nơi an táng Hoàng đế Long Khánh, còn được biết đến là Minh Mục Tông/ Chu Tái Kỵ. Công trình có tổng diện tích 34.000m2 - quy mô nhỏ nhất trong số các lăng mộ được mở cửa cho du khách tại Thập Tam Lăng. Toàn bộ các di vật và những thông tin về Hoàng đế Long Khánh và triều đại của ông hiện được trưng bày và lưu giữ tại Điện Linh Ẩn - chính điện của Chiêu Lăng.

Có thể nói Chiêu Lăng là lăng mộ nhà Minh duy nhất còn lưu giữ được gần như toàn bộ các công trình gồm gian bia, Cổng Linh Ân, Điện Linh Ân, Tháp Minh Lâu, Bảo Thành... Điểm ấn tượng trong bố cục của Chiêu Lăng là nơi đặt các quan tài Hoàng gia của Hoàng đế, Hoàng hậu cùng các phi tần nằm ở cung điện ngầm bên dưới phần sân hình trăng lưỡi liềm.

Trong lịch sử, trước khi nhà Minh sụp đổ, Chiêu Lăng từng bị quân Thanh phá hủy nghiêm trọng, sau đó khôi phục lại vào khoảng năm 1785 - 1787. Tuy nhiên, khoảng thế kỷ 19 - 20, công trình dần dần trở nên xuống cấp. Đến năm 1980 Chiêu Lăng được trùng tu, cải tạo và mở cửa đón khách vào năm 1990. Đây là lăng mộ đầu tiên và duy nhất trong quần thể đã trải qua quá trình cải tạo đáng kể.

Minh Chiêu Lăng trong Thập Tam Lăng

Minh Chiêu Lăng trong Thập Tam Lăng

Cổng vòm bằng đá - Thạch Bài Phường (Shibaifang)

Cổng vòm bằng đá cẩm thạch, Thạch Bài Phường, là điểm bắt đầu của đường Thần Lộ - con đường chính của Thập Tam Lăng. Công trình được vua Minh Thế Tông cho xây dựng vào năm 1540, năm Gia Tĩnh thứ 19, để hiển dương công đức của tổ tiên. Đến nay, sau gần 500 năm, Thạch Bài Phường vẫn còn được bảo tồn gần như nguyên trạng và là công trình cổng vòm lớn nhất Trung Quốc.

Cổng đá Thạch Bài Phường có chiều rộng 29m, được xây dựng hoàn toàn bằng đá theo lối kiến trúc “lục trụ ngũ môn”. Cổng được chống bởi 6 trụ đá cẩm thạch và 5 cửa. Các bệ đá lớn dưới chân trụ được trang trí với các bức phù điêu chạm khắc hình rồng và mây. Trên mỗi bệ đá là tượng đá của một sinh vật thần thoại. Phía trên các cửa là tầng mái giả ngói ống, được điêu khắc, chạm trổ các họa tiết cực kỳ tinh xảo.

Thạch Bài Phường có thể nói là một trong những kiệt phẩm điêu khắc đá dưới thời nhà Minh. Các họa tiết chạm khắc sống động, tinh xảo trên cổng đá là vô cùng hiếm thấy trong suốt chiều dài lịch sử thời Minh - Thanh.

Thạch Bài Phường - cổng vòm bằng đá tinh xảo tại Thập Tam Lăng

Thạch Bài Phường - cổng vòm bằng đá tinh xảo tại Thập Tam Lăng

Thần Lộ - Con đường linh thiêng

Thần Lộ, hay còn gọi là đường Thần Đạo, hiểu nôm na nghĩa là “con đường đi lên thiên đường”. Trong lịch sử Trung Hoa, Hoàng đế là con trời, và sẽ trở về trời bằng đường Thần Lộ sau khi tạ thế.

Ban đầu đường Thần Đạo được xây dựng là lối vào Trường Lăng, nhưng sau này trở thành con đường chung của quần thể lăng mộ Thập Tam Lăng. Đường Thần Đạo chạy theo trục Nam - Bắc, chia đôi khu lăng mộ, có tổng chiều dài 7km, là con đường dài nhất trong các kiến trúc lăng mộ ở Trung Quốc.

Dọc theo đường Thần Đạo là Cổng vòm bằng đá, Đại Hồng Môn và Bi lâu - Bia Thánh Đức Thần Công, 6 cột Hoa Biểu bằng đá, 18 bức Thạch Tượng Sinh, Long Phụng Môn và Thất Khổng Kiều.

Đường Thần Đạo đi qua cổng Đại Hồng Môn dẫn vào Thập Tam Lăng

Đường Thần Đạo đi qua cổng Đại Hồng Môn dẫn vào Thập Tam Lăng

Cách di chuyển tới Thập Tam Lăng

Để di chuyển tới địa điểm du lịch Trung Quốc nổi tiếng này, bạn hãy tham khảo hướng dẫn chi tiết dưới đây:

Từ Việt Nam tới Bắc Kinh

Để tham quan Minh Thập Tam Lăng, bạn cần đặt vé máy bay từ Việt Nam tới Bắc Kinh. Hiện nay có rất nhiều hãng bay trong và ngoài nước khai thác đường bay giữa Việt Nam - Bắc Kinh, bay thẳng hoặc bay nối chuyến. Chẳng hạn như China Eastern Airlines, Spring Airlines, China Southern Airlines, Vietnam Airlines, Shenzhen Airlines…

Bạn có thể tham khảo bảng giá những chặng bay phổ biến từ Việt Nam đi Bắc Kinh trong bảng sau:

Chặng bay Giá tham khảo Thời gian bay

Hà Nội - Bắc Kinh

3.336.000đ - 11.255.000đ

3 tiếng 40 phút

Sài Gòn (TP. HCM) - Bắc Kinh

3.210.000đ - 11.855.000đ

4 tiếng 30 phút

Đà Nẵng - Bắc Kinh

5.423.000đ - 15.853.000đ

6 tiếng 15 phút

Nha Trang - Bắc Kinh

5.762.000đ - 15.931.000đ

8 tiếng 10 phút

Bảng giá vé một số chặng bay từ Việt Nam đi Bắc Kinh

Từ Bắc Kinh tới khu lăng mộ

Xe bus

Nếu đi bus bạn có thể đón xe số 872 từ bến Deshengmen (Đức Thắng Môn) đến bến bus Định Lăng hoặc Trường Lăng. Để tìm điểm dừng của xe bus 872 bạn hãy đi theo các chỉ dẫn đến phía Tây bến xe Deshengmen.

  • Giá vé: 9 CNY
  • Tần suất: 10 phút/ chuyến
  • Giờ hoạt động: 07h00 - 20h10
  • Thời gian di chuyển: Khoảng 1 tiếng

Xe bus 872 từ Bắc Kinh đi Thập Tam Lăng

Xe bus 872 từ Bắc Kinh đi Thập Tam Lăng

Tàu điện ngầm

Bạn đi tàu điện ngầm ga Changping đến trạm Changping Dongguan, sau đó đi bộ khoảng 500m về phía tây đến bến xe bus đón xe bus 67 hoặc xe bus 314, xuống ở bến Dagongmen (Đại Cung Môn). Từ đó đi bộ thêm khoảng 300m là đến Lăng mộ nhà Minh.

Lưu ý rằng không xuống xe bus ở ga Ming Tombs vì ga này nằm cách khu lăng mộ hơn 4km.

Taxi

Đi taxi từ trung tâm thủ đô Bắc Kinh đến khu Lăng mộ nhà Minh hết khoảng 136 CNY - 165 CNY. Giá xe taxi ở Bắc Kinh khác nhau tùy hãng và tùy thời điểm. Do đó bạn nên check trước với tài xế và đảm bảo tài xế taxi đã bật đồng hồ trên xe.

Ngoài ra, bạn cũng có thể gọi taxi từ trạm tàu điện ngầm Changping Dongguan, chi phí taxi đến Đại Cung Môn khoảng 25 CNY và đến Trường Lăng khoảng 35 CNY.

Kinh nghiệm tham quan Thập Tam Lăng

Nếu có dự định tham quan Minh Thập Tam Lăng, bạn hãy lưu lại ngay một số kinh nghiệm hữu ích dưới đây:

  • Đặt mua vé tham quan sớm để chủ động trong chuyến đi.
  • Trung bình thời gian tham quan ở khu lăng mộ khoảng nửa ngày đến một ngày. Bạn lưu ý thời gian mở cửa đón khách tham quan của từng khu lăng mộ để sắp xếp thời gian hợp lý.
  • Nên mặc trang phục kín đáo và mang giày dép sao cho thuận tiện di chuyển nhiều trong khi tham quan các lăng mộ.
  • Tùy vào tình hình thời tiết mà bạn cân nhắc mang theo các đồ dùng cần thiết như ô, áo mưa, kem chống nắng, mũ, kính râm…
  • Thuê Hướng dẫn viên khi tham quan Thập Tam Lăng để hiểu thêm về các khu lăng mộ. Khi tham quan ở Định Lăng, bạn có thể thuê dịch vụ Thuyết minh âm thanh (Audio Guide). Thiết bị bluetooth được cho thuê với giá 20 - 30 CNY, đặt cọc 200 CNY, có lời dẫn bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh dài khoảng 1 giờ. Tại một số khu vực tham quan nhất định, hướng dẫn âm thanh sẽ tự động phát và giới thiệu cho bạn về địa điểm đó.
  • Nếu không tự tin đi tự túc, bạn nên đặt các tour Bắc Kinh, Trung Quốc có lịch trình tham quan Thập Tam Lăng để có trải nghiệm tốt nhất. Các hướng dẫn viên trong tour sẽ đưa đoàn đi tham quan và giải thích chi tiết về đặc điểm của từng lăng mộ.

Kinh nghiệm tham quan Minh Thập Tam Lăng

Kinh nghiệm tham quan Minh Thập Tam Lăng

Câu hỏi thường gặp khi du lịch Thập Tam Lăng Trung Quốc

Nhiều người thắc mắc vì sao lăng mộ này lại nằm xa trung tâm kinh đô như vậy?

Việc Thập Tam Lăng được xây dựng ở vị trí cách xa trung tâm kinh đô có 3 lý do chính:

  • Thứ nhất, quỹ đất trong kinh thành không đủ đáp ứng quy mô lớn của diện tích xây dựng lăng mộ. Lăng mộ có thể xem như cung điện dành cho Hoàng đế khi sang thế giới bên kia nên cũng phải hoành tráng và hoa lệ, thể hiện vinh quang và quyền lực.
  • Thứ hai, Hoàng đế Chu Đệ rất tin và phong thủy mà yếu tố phong thủy của Thiên Thọ Sơn lại vô cùng hoàn hảo. Khu vực thung lũng chân núi Thiên Thọ có diện tích rộng lớn, phong cảnh sơn thủy hữu tình, ba mặt là núi, với ý nghĩa phong thủy hấp thụ được năng lượng từ đất trời, trừ tà ma và giải phong tà từ phương Bắc. Do đó nơi đây lý tưởng để trở thành nơi yên nghỉ của Hoàng đế.
  • Thứ ba, khu vực này còn có ý nghĩa về mặt quân sự, như một bức tường dễ thủ khó công, trở thành cứ điểm kiên cố để bảo vệ kinh thành.

Thập Tam Lăng được xây dựng xa kinh đô do các yếu tố về diện tích, phong thủy

Thập Tam Lăng được xây dựng xa kinh đô do các yếu tố về diện tích, phong thủy

Có được tham quan hết 13 lăng mộ không?

Ở thời điểm hiện tại, vì nhiều yếu tố, chỉ có 3 lăng mộ trong quần thể Thập Tam Lăng được mở cửa cho du khách tham quan. Tuy nhiên, trong Diễn đàn Văn hóa Nhà Minh 2024, theo kế hoạch đến năm 2030, chính quyền thành phố Bắc Kinh sẽ cho mở cửa toàn bộ 13 lăng mộ.

Theo báo cáo từ Nhật báo Bắc Kinh, quá trình mở cửa các lăng mộ sẽ được thực hiện lần lượt theo 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn thứ nhất, 2024 - 2025, mở cửa Tư Lăng và Vĩnh Lăng.
  • Giai đoạn thứ hai, 2026 - 2028, mở cửa Mậu Lăng, Thái Lăng và Đức Lăng
  • Giai đoạn thứ ba, 2029 - 2030, mở cửa Hiến Lăng, Dụ Lăng và Cảnh Lăng.

Khi mở cửa hoàn toàn, khu Lăng mộ nhà Minh sẽ diễn ra các cuộc triển lãm, trưng bày, giới thiệu về những di vật, di sản văn hóa và các tòa nhà cổ. Đồng thời, quá trình xây dựng lăng mộ, các đặc điểm kiến trúc và kỹ thuật xây dựng cũng sẽ được giới thiệu cho du khách, cung cấp cái nhìn toàn diện về lịch sử văn hóa thời nhà Minh.

Thập Tam Lăng dự kiến sẽ được mở cửa toàn bộ 13 lăng mộ vào năm 2030

Thập Tam Lăng dự kiến sẽ được mở cửa toàn bộ 13 lăng mộ vào năm 2030

Có thể khẳng định rằng, Thập Tam Lăng là một kiệt phẩm xuất sắc và vĩ đại của kiến trúc Trung Hoa cổ. Đến nay, công trình vẫn có giá trị nghiên cứu khảo cổ học vô cùng quan trọng. Để tăng trải nghiệm cho du khách và phục vụ các mục đích nghiên cứu, quần thể Minh Thập Tam Lăng vẫn đang được tiến hành tu bổ, phục hồi và mở cửa thêm trong tương lai. Nếu có chuyến du lịch Bắc Kinh trong thời gian tới, bạn đừng quên dành thời gian ghé thăm khu di tích lịch sử ấn tượng này nhé!

Tác giả: Phương Thảo

Nguồn ảnh: Internet

Các bài viết cùng chuyên mục

Hỏi đáp