[HOT] Khám phá đặc trưng văn hóa Trung Quốc - Nền văn hóa phong phú bậc nhất thế giới
Luôn cho cả thế giới thấy những nét đặc trưng riêng biệt, văn hóa Trung Quốc chính là cội nguồn, là cái nôi của văn hiến vĩ đại, đồ sộ, là đại diện tiêu biểu cho một nền văn minh hàng ngàn năm tuổi. Cùng BestPrice khám phá nền văn hóa Trung Hoa chi tiết trong bài viết dưới đây!
- 1. Giới thiệu về văn hóa Trung Quốc
- 2. Top 20+ đặc trưng trong nền văn hóa của Trung Quốc khiến bạn thích thú
- 2.1 Về dân tộc
- 2.2 Về chữ viết
- 2.3 Văn hóa vật tổ
- 2.4 Văn hóa giáo dục tư tưởng
- 2.5 Văn hóa âm nhạc và kinh kịch
- 2.6 Nghệ thuật thư pháp
- 2.7 Nghệ thuật hội họa và cắt giấy
- 2.8 Văn hóa trang phục
- 2.9 Văn hóa ẩm thực
- 2.10 Y học cổ truyền
- 2.11 Võ thuật Trung Quốc
- 2.12 Kiến trúc Trung Hoa
- 2.13 Văn hóa tín ngưỡng bất tử
- 2.14 Văn hóa giao tiếp
- 2.15 Nghệ thuật Bonsai Trung Quốc (Penjing)
- 2.16 Nghệ thuật chơi cờ vây
- 2.17 Tứ bảo văn phòng
- 2.18 Lễ hội Trung Quốc
- 2.19 Nghệ thuật thêu Trung Hoa
- 2.20 Đồ gốm sứ
Giới thiệu về văn hóa Trung Quốc
Văn hóa Trung Quốc là một trong những nền văn hóa phong phú và lâu đời nhất trên thế giới, bắt đầu từ hơn 5.000 năm trước công nguyên. Nền văn minh này được xem là hình thành từ lưu vực sông Trường Giang, sông Hoàng Hà, bồi đắp lên những vùng đồng bằng màu mỡ, khởi nguồn của văn minh Trung quốc ngày nay.
Giới thiệu về văn hóa Trung Quốc (Ảnh: @irishnews)
Trải qua sự cai trị của các vương quốc và triều đại khác nhau, văn hóa Trung Quốc vẫn luôn được coi là trụ cột, hình thành nên xã hội và đất nước như ngày nay. Hơn hết, lịch sử văn hóa Trung Quốc đã thống trị, trải dài trên nhiều vùng địa lý rộng lớn, từ đó gây nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến các dân tộc, quốc gia Châu Á khác như: Việt Nam, Triều Tiên, Singapore, Malaysia…
Tìm hiểu văn hóa Trung Hoa, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy Phật giáo, tín ngưỡng dân gian, nghệ thuật là những yếu tố đặc trưng cấu thành nên đặc trưng văn hóa Trung Quốc. Nó bao gồm tôn trọng truyền thống, gia đình, đạo đức, các giá trị quan và giá trị nhân đạo trong cuộc sống.
Top 20+ đặc trưng trong nền văn hóa của Trung Quốc khiến bạn thích thú
Về dân tộc
Với diện tích rộng lớn, Trung Quốc có 56 dân tộc sống rải rác ở khắp mọi nơi, song dân tộc chiếm tỷ lệ đông đảo nhất chính là người Hán với hơn 90% dân số, sau đó là các dân tộc khác như: Choang, Mãn, Hồi…
Đa dân tộc nên các phong tục tập quán, văn hóa và tính cách của mỗi vùng dường như lại có nét khác biệt. Song nhìn chung, người Trung Quốc luôn đề cao tinh thần dân tộc, hào sảng và cởi mở. Nếu để ý, bạn có thể thấy họ thường nói rất nhiều và rất to. Tuy nhiên, mọi điều đều hướng đến sự quan tâm, gắn kết và coi trọng các mối quan hệ.
Về chữ viết
Chữ viết chính là linh hồn tạo nên văn hóa Trung Quốc. Từ thời nhà Thương (năm 1766 TCN), loại chữ tượng hình này đã được ghi nhận trên các văn tự giáp cốt khắc trên xương thú, mai rùa. Trải qua sự biến hóa không ngừng qua nhiều triều đại, loại Hán tự này đã phát triển từ những hình vẽ thô sơ biểu ý thành các nét, ghép với nhau để tạo thành chữ.
Chữ Hán được coi là một trong những văn tự cổ xưa nhất thế giới còn tồn tại đến ngày nay, ảnh hưởng và là tiền thân của rất nhiều ngôn ngữ như: chữ Nôm của Việt Nam, chữ Kanji của Nhật Bản hay chữ Hangul của Triều Tiên…
Chữ viết chính là đặc trưng văn hóa Trung Quốc (Ảnh: @huifengtang123)
Văn hóa vật tổ
Vật tổ (tô-tem) chính là biểu tượng linh thiêng có tồn tại hoặc trong ý niệm, được tôn sùng và thờ cúng. Trong nền văn hóa Trung Quốc, vật tổ cổ xưa thường mang may mắn, sức mạnh và những điều tốt đẹp như tứ linh rồng (long), kỳ lân (lân), rùa (quy), phượng hoàng (phụng); hay có ý nghĩa tâm linh, tôn giáo, đại diện cho các nguyên tố trong ngũ hành như tứ tượng thanh long, bạch hổ, chu tước, huyền vũ.
Những loài linh thú này được xem là thiêng liêng bậc nhất, được thờ cúng hoặc là biểu tượng đại diện cho vua chúa, hoàng đế. Ngoài ra văn hóa vật tổ cũng liên kết nhiều với thiên văn học, triết học phương đông và thuyết phong thủy.
Văn hóa vật tổ độc đáo của Trung Quốc
Văn hóa giáo dục tư tưởng
Bên cạnh ảnh hưởng từ đạo Phật, văn hóa giáo dục tư tưởng của Trung Quốc thường xoay quanh Nho giáo và Đạo gia. Trong đó Nho giáo lấy Khổng Tử và Mạnh Tử là đại diện, truyền dạy các giá trị “nhân” làm gốc, thể hiện tư tưởng đạo hiếu, lễ, nghĩa, trí, tín… Trong khi đó, Đạo gia lấy Lão Tử là người đặt cơ sở đầu tiên, còn Trang Tử là người phát triển học thuyết với các giá trị kinh điển trong “đạo” và “đức”.
Ngoài ra, văn hóa giáo dục Trung Quốc còn ảnh hưởng nhiều từ trường phái triết học Mặc gia do Mặc Tử sáng lập hay Pháp gia với lý thuyết, chủ trương dùng pháp luật để trị quốc.
Văn hóa âm nhạc và kinh kịch
Tìm hiểu văn hóa Trung Quốc ắt hẳn không thể bỏ qua âm nhạc và kinh kịch. Âm nhạc của Trung Quốc mang đậm nét truyền thống, đóng vai trò quan trọng trong các lễ nghi, tôn giáo, lễ hội. Thường được kết hợp từ nhiều loại nhạc cụ như: đàn nhị, đàn tam thập lục, souna, trống…
Trong khi đó kinh kịch lại mang một nét đặc trưng hoàn toàn riêng biệt, vừa thu hút tinh hoa, vừa phối hợp từ ca, nói, diễn, võ thuật… Kinh kịch đã phát triển hệ thống biểu diễn mang tính tượng hình cao, thể hiện nét gần gũi cuộc sống đồng thời truyền tải những hàm ý sâu xa làm nổi bật lịch sử văn hóa Trung Quốc lâu đời.
Nền văn hóa Trung Quốc với âm nhạc và kinh kịch (Ảnh: @hanfu_photos)
Nghệ thuật thư pháp
Nghệ thuật thư pháp trong văn hóa Trung Quốc đã hình thành và phát triển qua hàng ngàn năm. Những nét vẽ, bút lông, nghiên mực được coi là đỉnh cao của sự kết hợp nghệ thuật, mỹ thuật, kiến trúc, tạo nên một bức thư pháp tinh tế và tỉ mỉ.
Thư pháp Trung Quốc đòi hỏi người viết phải vô cùng tập trung và cẩn trọng. Làm sao để truyền tải được từng giá trị riêng và các loại hình thư pháp khác nhau như: Hành thư, Lệ thư, Yến thư, Thảo thư, Triện thư.
Nghệ thuật thư pháp của Trung Quốc vô cùng nổi tiếng
Nghệ thuật hội họa và cắt giấy
Nghệ thuật hội họa và cắt giấy không chỉ đòi hỏi sự khéo léo của người thực hiện mà còn phải thể hiện được nội hàm văn hóa và giá trị muốn truyền tải.
Với hội họa, nét tinh túy này thường thể hiện sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, lấy phong cảnh, đời sống, nhân vật làm chủ đề chính. Những nét vẽ mang đậm chất thơ tạo nên bức tranh thủy mặc vừa sâu sắc, vừa cuốn hút.
Nếu hội họa truyền thống Trung Quốc mang bức tranh thủy mặc đến gần hơn với tâm hồn người thưởng thức, thì cắt giấy lại như môn nghệ thuật dân gian lâu đời, tinh xảo, khéo léo đưa người xem hóa thân vào các nhân vật, chim thú, hoa điểu của hàng nghìn năm về trước.
Văn hóa trang phục
Trung Quốc có 56 dân tộc anh em, trong đó mỗi dân tộc lại có những trang phục truyền thống khác nhau thể hiện văn hóa và nét đặc sắc riêng biệt. Qua thời gian, những trang phục cổ truyền ấy không ngừng được biến hóa, thay đổi dưới góc nhìn của từng thời đại.
Nếu trong phim cổ trang Trung Quốc, chúng ta thường thấy những bộ Hán phục cầu kỳ, nhiều lớp với tay áo rộng, thì đến nay văn hóa trang phục được tinh gọn hơn khá nhiều và chia nhỏ thành các loại Sườn xám, áo Giao Lĩnh, váy Mã Diện… Được tạo nên từ các chất liệu cao cấp như lụa, satin, tơ tằm…
Trang phục truyền thống trong văn hóa Trung Hoa (Ảnh: @wushugal)
Văn hóa ẩm thực
Sở hữu nền ẩm thực hơn 5.000 năm với nhiều sắc thái văn hóa khác nhau, ẩm thực Trung Quốc hiện được chia ra 8 trường phái (bát đại thái hệ) thể hiện đầy đủ hương sắc, mùi vị của từng vùng miền.
Hãy thử thưởng thức ẩm thực Sơn Đông, Tứ Xuyên nếu bạn là một người yêu thích những hương vị cay tê, được xào nấu nồng đậm. Nếu yêu thích những món thanh đạm, đồ hấp ít dầu mỡ bạn có thể thử trải nghiệm ẩm thực Quảng Đông, Phúc Kiến, An Huy…
Bên cạnh việc thỏa mãn phần nhìn, yếu tố ẩm thực trong nền văn hóa Trung Quốc còn luôn đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa hương vị và giá trị dinh dưỡng, là một phần quan trọng níu giữ trái tim và tình cảm của bất kỳ du khách nào khi đến với xứ tỷ dân. Nắm được thông tin này, du khách sẽ tích lũy thêm cho mình nhiều kinh nghiệm du lịch Trung Quốc khám phá đặc sản Trung Hoa.
Y học cổ truyền
Song song với lịch sử lâu đời, y học Trung Quốc nổi tiếng với các phương pháp cổ truyền, vận dụng thuyết ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) để tìm ra căn nguyên bệnh, từ đó đưa ra các hình thức chữa trị khác nhau để xử lý tận gốc vấn đề.
Y học cổ truyền Trung Quốc thường sử dụng thảo dược để chữa các bệnh đau nhức, rối loạn; châm cứu để khôi phục sự cân bằng trong cơ thể; bấm huyệt để kích thích các cơ khớp; dưỡng sinh để tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa căn nguyên của các loại bệnh…
Tìm hiểu văn hóa Trung Quốc thông qua y học cổ truyền (Ảnh: @tradimed)
Võ thuật Trung Quốc
Văn hóa võ thuật hay Kung Fu là một phần không thể tách rời của lịch sử văn hóa Trung Hoa. Được bắt nguồn từ thời kỳ nguyên thủy với khởi đầu là các động tác chiến đấu chống lại dã thú và kẻ thù. Võ thuật Trung Quốc đi cùng với sự phát triển văn hóa của đất nước, đồng thời cũng mang trong mình những triết lý, tư tưởng đạo đức của riêng mỗi trường phái võ học.
Võ thuật Trung Hoa có hàng trăm, ngàn trường phái lớn nhỏ, nhưng chủ yếu phân chia làm nội gia quyền và ngoại gia quyền. Nội gia chú trọng luyện khí, hướng tới phát triển hài hòa giữa cơ thể với tự nhiên, trong khi Ngoại gia lại chú trọng rèn luyện thể chất. Tuy nhiên, dù là trường phái nào thì cũng đều khuyên học viên cần rèn luyện cả cơ thể lẫn tinh thần để đạt tới trình độ tối cao của võ học.
Kiến trúc Trung Hoa
Kiến trúc Trung Hoa gắn liền với lịch sử văn hóa Trung Quốc lâu đời. Trải qua các triều đại và ảnh hưởng bởi yếu tố văn hóa, tôn giáo, chính trị, nó được biết đến nhiều hơn qua phong cách hài hòa với thiên nhiên và luôn tuân theo nguyên tắc phong thủy, nổi bật trong việc sử dụng vật liệu tự nhiên (gỗ, đá...), thiết kế mái cong vươn ra ngoài và các hình ảnh trạm khắc tỉ mỉ.
Kiến trúc không chỉ là biểu tượng của sự khéo léo và sáng tạo mà còn là một phần quan trọng của di sản văn hóa. Qua các triều đại, kiến trúc Trung Hoa đã phát triển và biến đổi, nhưng vẫn giữ được những giá trị truyền thống riêng biệt, tạo nên một phong cách độc đáo và trường tồn.
Văn minh Trung Quốc gắn liền với những kiến trúc đặc sắc (Ảnh: @joeyhoogendoorn)
Văn hóa tín ngưỡng bất tử
Văn hóa tín ngưỡng Trung Hoa là một hệ thống phức tạp và đa dạng, kết hợp các yếu tố của nhiều tôn giáo, triết học khác nhau bao gồm Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo và các tín ngưỡng dân gian. Điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng của người Trung Quốc qua nhiều thời kỳ.
Sự kết hợp hài hòa đó đã tạo nên một nền văn hóa Trung Quốc độc đáo, sâu sắc và có sự liên kết với nhau. Nhờ vậy mà cho tới tận ngày nay, văn hóa tín ngưỡng vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người Trung Quốc cũng như những người quan tâm đến văn hóa này trên khắp thế giới.
Văn hóa giao tiếp
Khổng Tử có câu “Tiên học lễ, Hậu học văn” để nói lên sự quan trọng của giao tiếp trong văn hóa Trung Hoa. Văn hóa giao tiếp này phản ánh sâu sắc các giá trị truyền thống, bao gồm tôn trọng, khiêm nhường và duy trì hòa khí. Không chỉ tập trung vào lời nói, hành động mà ngay cả cử chỉ nét mặt cũng là điều cần phải lưu ý quan sát, rèn luyện.
Hiểu và tôn trọng những giá trị này là điều cần thiết để có thể xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người Trung Quốc. Những yếu tố như tôn trọng, giữ thể diện, khiêm nhường và quan hệ xã hội không chỉ định hình cách người Trung Quốc trong giao tiếp mà còn phản ánh sâu sắc triết lý sống của họ.
Văn hóa giao tiếp của người Trung Quốc được du khách quan tâm
Nghệ thuật Bonsai Trung Quốc (Penjing)
Bắt nguồn từ Phật Giáo với mong muốn đem thiên nhiên vào trong những ngôi chùa, nghệ thuật Bonsai cổ xưa trong văn hóa Trung Quốc mô tả các tạo hình nghệ thuật từ cây trong chậu, từ đó tạo nên những cảnh quan thu nhỏ (hòn non bộ).
Nghệ thuật Bonsai được lấy cảm hứng từ thiên nhiên, thơ ca, phong cảnh, thể hiện sự hài hòa, thống nhất, mang những giá trị tinh thần sâu sắc và ý niệm nghệ thuật “thiên nhân hợp nhất”, “tri hành hợp nhất”.
Nghệ thuật chơi cờ vây
Tương truyền cờ vây xuất hiện cách đây hơn 4.000 năm, do một vị vua trong thần thoại Trung Hoa sáng tạo ra để dạy cho con trai mình về chiến lược quân sự. Qua nhiều năm phát triển, cờ vây luôn không ngừng biến đổi cùng hệ thống các triết lý nhân sinh, chú trọng vào tâm lý và khả năng tư duy tính toán của người chơi cờ.
Cờ vây từ một trò chơi chiến lược cổ xưa đã dần vươn ra toàn cầu và giao thoa với nền văn hóa hiện đại. Dù quy tắc chơi khá đơn giản nhưng xét về mặt chiến thuật, cờ vây lại có khả năng thiên biến vạn hóa vô cùng phức tạp.
Cờ vây trong văn hóa Trung Quốc (Ảnh: @fetechinoise)
Tứ bảo văn phòng
Văn phòng tứ bảo là 4 vật dụng không thể thiếu trong lịch sử truyền thống của Trung Quốc, ý chỉ bốn món đồ dùng thiết yếu (bút, mực, giấy, đá mài mực). Dần dần, văn phòng tứ bảo trở thành một tiêu chuẩn nhận diện mức độ thành công và cũng là thú chơi tao nhã, được sử dụng rộng rãi trong trong nghệ thuật thư pháp, ghi chép hay vẽ tranh của xứ tỷ dân.
Vậy nên dù không mang trong mình một giá trị hay đạo lý sâu sa, nhưng tứ bảo văn phòng lại trở thành một phần không thể tách rời của nền văn hóa Trung Hoa. Chúng không chỉ là các công cụ cần thiết mà còn là biểu tượng của truyền thống văn hóa và tinh thần nghệ thuật dân tộc.
Lễ hội Trung Quốc
Lịch sử văn hóa Trung Quốc vô cùng phong phú, một phần được thể hiện trong các lễ hội truyền thống từ xưa đến nay. Lễ hội thường là dịp để mọi người đoàn tụ, gia đình sum vầy, hoặc đơn giản là khoảng thời gian để mọi người cùng ngắm nhìn đất nước được trang hoàng một cách rực rỡ.
Tìm hiểu về lễ hội Trung Quốc, chúng ta có thể thấy rất nhiều ngày lễ quen thuộc và gần gũi bao gồm Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu… Bên cạnh đó là những lễ hội đặc trưng riêng từng vùng miền như: lễ hội băng tuyết ở Cáp Nhĩ Tân, lễ Losar của Tây Tạng… Mỗi dịp lễ lại đại diện cho nét văn minh Trung Quốc riêng biệt khó tìm thấy ở bất kỳ quốc gia nào. Nếu muốn tham gia lễ hội nào Trung Quốc, bạn có thể đặt tour Trung Quốc vào thời gian đó để tận hưởng không khí lễ hội trọn vẹn nhất.
Lễ hội truyền thống trong văn hóa Trung Quốc (Ảnh: @polaris_xer)
Nghệ thuật thêu Trung Hoa
Nếu dành thời gian tìm hiểu về nội hàm nghệ thuật thêu truyền thống của Trung Quốc, chắc hẳn chúng ta sẽ thấy thêu không đơn giản là kỹ thuật, đó còn là tâm hồn, sự thuần chính và là cả tình yêu từ bàn tay tới trái tim của các nghệ nhân.
Nghệ thuật thêu đã xuất hiện trong văn hóa của Trung Quốc cách đây 2.000 - 3.000 năm, từ khi có con đường tơ lụa. Những vẻ đẹp trên từng đường kim mũi chỉ ấy được thể hiện qua loạt loại hình tranh thêu nổi tiếng như: Tranh thêu Thục; tranh thêu Tô Châu, Hồ Nam; Biện thêu; tranh thêu Ô…
Đồ gốm sứ
Văn hóa Trung Quốc có niên đại hàng ngàn năm và đóng góp cho lịch sử phát triển lâu đời đó không thể không kể đến đồ gốm sứ. Trên thực tế, gốm được cho là đã xuất hiện cách đây khoảng 10.000 năm, trải qua nhiều thời đại, đồ gốm trong văn hóa Trung Quốc luôn không ngừng chuyển mình, vươn lên đỉnh cao với những lưu truyền ấn tượng qua từng triều đại.
Cùng với chất nung bền bỉ, đồ gốm sứ thường mang trên mình những nét hoa văn tinh tế, được ví như sứ xương trắng ngần, tiếng trong như ngọc, là đại diện cho nền văn minh Trung Quốc vươn ra khắp thế giới.
Gốm sứ Trung Quốc đạt đến một trình độ hiếm có
Văn hóa Trung Hoa là một bức tranh rộng lớn và phong phú, phản ánh sự phát triển của nền văn minh cổ đại qua hàng ngàn năm, từ nghệ thuật, văn học, ẩm thực đến triết học, tôn giáo. Văn hóa Trung Quốc đã lột tả những góc nhìn sâu sắc nhất về giá trị truyền thống và cách sống của người dân nơi đây qua từng thế hệ. Đặt tour Trung Quốc trọn gói để khám phá nền văn hóa Trung Hoa ngay hôm nay!
Tác giả: Dung
Nguồn ảnh: Internet