Đặt chân đến mảnh đất cố đô Huế, bạn không thể không một lần ghé thăm Lăng Tự Đức - lăng đẹp nhất trong hệ thống các lăng tẩm của vua chúa triều Nguyễn. Với lối kiến trúc tinh tế, bao bọc bởi không gian xanh mướt của núi rừng cây cỏ, Lăng Tự Đức hiện lên như một bức tranh sơn thủy hữu tình làm say đắm bất kỳ du khách nào đến đây.
Đôi nét về Lăng Tự Đức
Lăng Tự Đức nằm ở đâu?
Lăng Tự Đức là quần thể công trình kiến trúc tọa lạc trong một thung lũng nhỏ thuộc thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, Huế. Nơi đây cách trung tâm thành phố khoảng 6km. Bên trái lăng là ngọn đồi Cảnh Vọng thơ mông, tô điểm thêm cho vẻ đẹp nên thơ của lăng.
Lăng Tự Đức - Huế
Lịch sử hình thành Lăng Tự Đức
Lăng Tự Đức (còn gọi là Khiêm Lăng) được khởi công xây dựng vào năm 1864. Đây là nơi chôn cất vị hoàng đế thứ 4 của triều đại nhà Nguyễn là vua Tự Đức. Vua Tự Đức tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất thời Nguyễn (từ năm 1847 - 1883). Nhà vua cho xây dựng Lăng Tự Đức như một nơi nghỉ ngơi, thoát khỏi việc triều chính và an nghỉ khi tạ thế.
Lúc mới xây dựng, lăng có tên là Vạn Niên Cơ, sau cuộc Loạn Chày Vôi, vua đổi tên thành Khiêm Cung. Sau khi vua Băng Hà, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng và được sử dụng đến tận ngày nay. Lăng Tự Đức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.
Kiến trúc của Lăng Tự Đức
Lăng Tự Đức là một quần thể kiến trúc có tổng diện tích khoảng 12ha, bao gồm gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ. Điều đặc biệt là toàn bộ các công trình ở đây đề có chữ Khiêm trong tên gọi: cửa Vụ Khiêm, Khiêm Cung Môn, Chí Khiêm Đường, điện Hòa Khiêm,...
Lăng được chia thành 2 khu vực chính là khu tẩm điện và khu lăng mộ. Hai khu vực này được bố trí song song với nhau, lấy núi Giáng Khiêm phía trước làm tiền án, núi Dương Xuân làm chẩm và hồ Lưu Khiêm làm minh đường.
Quần thể kiến trúc lăng Tự Đức
Tham quan Lăng Tự Đức
Với vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, Lăng Tự Đức được liệt vào một trong những công trình đẹp nhất thế kỷ XIX, và là lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn. Cùng BestPrice dạo quanh một vòng Lăng Tự Đức để khám phá vẻ đẹp nơi đây nhé.
Hồ Lưu Khiêm
Hồ Lưu Khiêm hiện ra ngay khi du khách qua khỏi cửa Vụ Khiêm và miếu thờ Sơn Thần. Hồ Lưu Khiêm vốn là một con suối nhỏ chảy trong lăng, sau được đào rộng thành hồ. Trong hồ thả hoa sen tỏa hương thơm mát, tạo không gian thơ mộng cho cảnh lăng và mang đến cảm giác yên bình, dễ chịu cho du khách khi đến đây. Giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm, nơi vua cho trồng hoa và nuôi thú.
Đặc biệt, bên bờ hồ Lưu Khiêm có 2 công trình nhà tạ trên mặt nước là Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ. Đây là 2 công trình kiến trúc độc đáo của quần thể kiến trúc Lăng Tự Đức nói riêng và quần thể di tích cố đô Huế nói chung. Nơi đây xưa kia là nơi nhà vua thường xuyên ghé đến để vãn cảnh hồ, làm thơ và đọc sách.
Hồ Lưu Khiêm (@akihomme)
Khiêm Cung Môn
Khiêm Cung Môn được xây dựng trên thế đối với Hồ Lưu Khiêm, kiến trúc dạng vọng lâu. Nhà vua thường ghé tới đây nghỉ ngơi mỗi khi đến lăng Tự Đức. Chính giữa là điện Hòa Khiêm nơi vua làm việc, nay là nơi đặt bài vị của vua và hoàng hậu. Hai bên tả, hữu là Pháp Khiêm Vu và Lễ Khiêm Vu dành cho các quan văn võ theo hầu. Sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, xưa là chỗ nghỉ ngơi của vua, về sau được dùng để thờ vong linh bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức.
Điện Hòa Khiêm - nơi làm việc của vua Tự Đức
Nhà hát Minh Khiêm
Nằm bên trái điện Lương Khiêm là Minh Khiêm Đường - một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam được xây dựng dưới thời các vua nhà Nguyễn, nơi vua Tự Đức hay ghé tới để xem hát. Nhà hát Minh Khiêm mang giá trị cao về văn hóa và nghệ thuật kiến trúc. Ngày nay người ta vẫn thường tổ chức các buổi trình diễn văn hóa, nghệ thuật phục vụ du khách ghé thăm.
Minh Khiêm Đường
Khu lăng mộ
Qua khu tẩm điện du khách sẽ tới khu lăng mộ. Đầu tiên là Bái Đình với hai hàng tượng quan viên văn võ uy nghi. Sau đó là Bi Đình với tấm bia bằng đá nặng 20 tấn, trên khắc bài “Khiêm Cung Ký” bằng chữ Hán của vua Tự Đức. Bia Khiêm Cung Ký là tấm bia có số lượng văn tự nhiều nhất ở Việt Nam với 4.935 chữ Hán, được công nhận là Bảo vật Quốc gia Việt Nam năm 2015. Trong khu lăng mộ còn có Bổi Lăng - nơi yên nghỉ của vua Kiến Phúc – vị vua thứ 7 của Triều Nguyễn.
Bia đá Khiêm Cung Ký - Lăng Tự Đức (@vannh.92)
Cách di chuyển đến Lăng Tự Đức
Lăng Tự Đức cách trung tâm thành phố Huế chỉ khoảng 6km nên việc di chuyển từ đây đên lăng khá thuận tiện và dễ dàng. Bạn có thể lựa chọn đi taxi, xe máy hay thậm chí là xe đạp đều được. Để đến Lăng Tự Đức, bạn chạy theo hướng đường Bùi Thị Xuân, đoạn bắt đầu từ ga Huế, rồi rẽ vào đường Huyền Trân Công Chúa, sau đó đi thêm một đoạn là tới.
Di chuyển từ trung tâm thành phố Huế đến lăng Tự Đức
Những điều cần biết khi đi tham quan Lăng Tự Đức
Để có một chuyến tham quan Lăng Tự Đức hoàn hảo nhất, bạn đừng quên bỏ túi vào cẩm nang du lịch Huế mình một vài kinh nghiệm dưới đây nhé:
- Thời điểm lý tưởng nhất để tham quan lăng Tự Đức là khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2. Thời tiết ở Huế lúc này mát mẻ và vô cùng dễ chịu, thích hợp để du khách tham quan và vãn cảnh lăng.
- Giờ hoạt động của Lăng Tự Đức mùa hè là từ 6h30 - 17h, mùa đông từ 7h - 17h. Giá vé vào cửa là 100.000đ/người lớn và 20.000/trẻ em.
- Lăng Tự Đức là một chốn linh thiêng, trang trọng, vì vậy bạn nên chú ý chọn những trang phục lịch sự khi đến tham quan.
Trên đây là những thông tin đầy đủ và chi tiết nhất về kinh nghiệm đi tham quan Lăng Tự Đức. Chắc hẳn bạn cũng đang rất tò mò về Lăng Tự Đức, muốn xách balo lên và đi du lịch Huế ngay phải không?
>> Xem thêm: Lịch trình du lịch Huế 3 ngày 2 đêm
Nếu muốn đặt đặt tour Huế với giá tốt hay combo Huế giá rẻ, hãy liên hệ ngay 1900 6505 hoặc truy cập bestprice.vn để được hỗ trợ nhanh nhất nhé!
BestPrice
Nguồn ảnh: Internet, Instagram