Angkor Thom (đền Đế Thích) là thủ đô cuối cùng và lâu dài nhất của người Khmer, được vua Jayavarman VII khôi phục và xây dựng mở rộng vào cuối thế kỷ XII. Thực tế, tại địa điểm này về phía Tây Bắc, trước Angkor Thom 3 thế kỷ, Yashodharapura đã là thủ phủ của người Khmer, Angkor Thom được xây dựng trùm lên một phần của thành phố cổ đó.
Các đền thờ nổi tiếng nhất của thời kỳ trước Angkor Thom là Baphuon - ngôi đền quốc gia cũ, và Phimeanakas - ngôi đền đã được nhập vào Cung điện Hoàng gia. Tiếp đó, người Khmer đã không phân biệt rõ ràng giữa Angkor Thom và Yashodharapura, vào thế kỷ 14, có một tấm bia vẫn còn sử dụng tên thủ đô Angkor Thom là Yashodharapura. Người ta phỏng đoán rằng, tên Angkor Thom được sử dụng ít nhất từ thế kỷ 16 - có nghĩa là Thành phố vĩ đại.
Angkor Thom rộng 9 km², bên trong có nhiều đền thờ đã xây dựng từ các thời kỳ trước cũng như các đền thờ được vua Jayavarman và những người nối nghiệp ông xây dựng. Thành phố này nằm cách hồ Tonle Sap khoảng 1/4 dặm. Cổng phía Nam của Angkor Thom nằm cách thành phố Siem Reap 7,2 km về phía Bắc, cách cổng vào đền Angkor Wat 1,7 km về phía Bắc. Các bức tường thành cao 8 m, dài 3 km, bên ngoài là hào nước bao quanh. Tường thành được xây bằng đá ong với bờ công sự trên đỉnh. Tại mỗi hướng Đông, Tây, Nam, Bắc đều có một cổng thành. Các con đường dẫn từ các cổng thành đến thẳng đền Bayon - trung tâm thành phố. Cách cổng phía Đông 500m là Cổng Chiến thắng. Con đường Chiến thắng chạy song song với con đường phía Đông dẫn tới Quảng trường Chiến thắng và Cung điện Hoàng gia ở phía Bắc Bayon. Ngôi đền cuối cùng được biết xây dựng tại Angkor Thom là Mangalartha, khánh thành năm 1295. Từ đó, các công trình thỉnh thoảng lại được sửa chữa, nhưng hầu hết các công trình được xây dựng sau này bằng các vật liệu dễ hỏng đã không tồn tại được đến nay. Trong các thế kỷ tiếp theo, Angkor Thom vẫn là thủ đô của vương quốc trong thời kỳ suy tàn cho đến khi nó bị bỏ hoang bắt đầu từ khoảng trước năm 1609. Angkor Thom đã được ví "kỳ diệu như Atlantis của Plato" và có người phương Tây nhầm tưởng nó được xây dựng bởi Hoàng đế La Mã Trajan.
Tại mỗi góc Angkor Thom là một Prasat Chrung (kiểu điện thờ đặt tại góc) được xây dựng bằng sa thạch và thờ Quán Thế Âm. Các điện thờ này có hình chữ thập với một tháp trung tâm và hướng về phía Đông. Trong khu đền Angkor Thom, trừ đền Bayon, tất cả các di tích chính đều nằm tại phía Tây hoặc phía Đông của Quảng trường Chiến thắng.